Tiến hành thẩm định (bao gồm cả thẩm định pháp lý) là bước công việc sơ bộ được thực hiện bởi một nhà đầu tư dự định tham gia vào một giao dịch mua bán tài sản hoặc cổ phần. Mục đích của thẩm định pháp lý là để đánh giá rủi ro tiềm ẩn của một giao dịch bằng cách điều tra các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của công ty mục tiêu để nhà đầu tư tiềm năng xác định có nên tiến hành giao dịch hoặc đặt ra các điều kiện giao dịch, loại trừ hoặc hạn chế rủi ro và thương lượng giá mua. Đây là một thông lệ áp dụng chung và áp dụng đối với hầu hết các giao dịch mua bán và sáp nhập quan trọng.

Việc công ty mục tiêu là một công ty niêm yết chủ động cung cấp thông tin (có thể đã công khai hoặc chưa công khai, có thể mang yêu tố nhạy cảm về giá hoặc không) theo yêu cầu của nhà đầu tư tiềm năng nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm định của họ cũng như để nhà đầu tư tiềm năng biết rằng họ được dựa vào các thông tin đó để tiến hành giao dịch mua cổ phần có thể gặp vướng mắc trên thực tế. Cụ thể, Điều 12 Luật Chứng khoán 54/2019/QH14 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2019 (“Luật Chứng Khoán”) quy định “các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán” bao gồm cả việc “sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ” (Khoản 2 Điều 12). Thông tin nội bộ (tại Khoản 44 Điều 4 Luật Chứng Khoán) được định nghĩa là “thông tin liên quan đến công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của tổ chức này”.

Chúng tôi (khi được tham gia vào các giao dịch tương tự) thường tư vấn cho khách hàng của mình về cách thức cung cấp thông tin cho nhà đầu tư tiềm năng và xin hướng dẫn bằng văn bản từ phía cơ quan có thẩm quyền đối với vấn đề cụ thể này nhằm giải quyết vướng mắc đã nêu. Chương IX (từ Điều 129 – 132) Luật Chứng Khoán có quy định về thẩm quyền “thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán” thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (‘UBCKNN”).

Trong quá trình hành nghề, chúng tôi được biết rằng UBCNNN đã có các công văn trả lời rằng “Luật Chứng Khoán không quy định về việc cấm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tiềm năng trong quá trình đàm phán để chào bán cổ phần. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin nội bộ cho các nhà đầu tư tiềm năng với mục đích phục vụ giao dịch chào bán cổ phần cho đối tác sẽ phải đảm bảo một số nguyên tắc cụ thể”.  Các nguyên tắc/điều kiện đã được UBCNNN chấp nhận trên thực tế có thể bao gồm:

  1. Nhà đầu tư tiềm năng đã ký kết thỏa thuận bảo mật với công ty mục tiêu trước khi được nhận bất kỳ thông tin nào và cam kết sẽ chỉ sử dụng cho mục đích đã thỏa thuận đồng thời sẽ bảo mật đối với toàn bộ thông tin được cung cấp; và
  2. Trong giai đoạn thẩm định và trước khi chính thức ký kết hợp đồng mua bán, nhà đầu tư tiềm năng phải cam kết sẽ không tiến hành bất cứ hoạt đông mua bán hoặc tư vấn cho bên khác mua bán cổ phần của công ty mục tiêu
Phùng Anh Tuấn

Phùng Anh Tuấn

Luật sư điều hành