Gần đây, một khách hàng cá nhân của chúng tôi có đặt câu hỏi là liệu các cổ đông của một công ty cổ phần có thể lựa chọn phương án giải thể doanh nghiệp để nhận trực tiếp các tài sản mà công ty cổ phần đó đang sở hữu (bao gồm cả một số lượng cổ phần trong một doanh nghiệp khác) mà không phải thực hiện giao dịch thanh lý tài sản/bán tài sản theo cách làm thông thường hay không?

Trên thực tế, việc doanh nghiệp không thể bán thanh lý tài sản của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể hoàn toàn có thể xảy ra (ví dụ không tìm được người mua, người mua trả giá quá thấp so với giá trị tài sản, …) dẫn đến không thể bán được tài sản. Chúng tôi cho rằng, việc cổ đông cá nhân lựa chọn nhận trực tiếp chính tài sản của công ty cổ phần khi thực hiện việc giải thể doanh nghiệp là khả thi dựa vào các căn cứ pháp lý như sau:

  1. Điểm g khoản 1 Điều 115 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định cổ đông phổ thông có quyền “khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty”;
  2. Khoản 6 Điều 208 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định “Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần”. Nếu xem xét cùng với quy định tại Điểm g khoản 1 Điều 115 Luật Doanh Nghiệp 2020 nêu trên thì chúng tôi cho rằng có cơ sở để hiểu rằng cổ đông được chia “phần tài sản còn lại” của doanh nghiệp sau khi đã hoàn thành việc thanh toán các chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ;
  3. Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định điều kiện giải thể đối với doanh nghiệp bao gồm “bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài”. Khoản 4 Điều 209 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định cho phép “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp”. Theo đó, có thể hiểu rằng việc thanh lý đối với toàn bộ tài sản của doanh nghiệp giải thể không phải là một điều kiện bắt buộc phải hoàn thành trước khi kết thúc việc giải thể doanh nghiệp mà doanh nghiệp chỉ cần lập báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp để nộp cho Cơ Quan ĐKKD.
  4. Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông Tư 119/2020/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2020, sự kiện giải thể dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam giữa các chủ thể liên quan (có thể hiểu là giữa doanh nghiệp giải thể và cổ đông hoặc thành viên góp vốn của doanh nghiệp giải thể) được xác định là một giao dịch không mang tính chất mua bán và được phép thực hiện ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc cổ đông cá nhân lựa chọn nhận trực tiếp quyền sở hữu đối với cổ phần trong một doanh nghiệp khác (cũng là một loại chứng khoán) từ chính công ty cổ phần sau khi có quyết định về việc giải thể doanh nghiệp là phù hợp với hướng dẫn nêu trên của Bộ Tài Chính.

Chúng tôi có tham khảo thêm một số văn bản hướng dẫn về việc xử lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp của Tổng Cục thuế (Công văn số 1922/TCT-CS ngày 03/06/2010) và Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh (Công văn số 2790/CT-TTHT ngày 18/04/2014). Trong các văn bản nêu trên, cơ quan thuế đã có hướng dẫn như sau “trường hợp tại thời điểm giải thể Công ty chưa thanh lý hết tài sản, phải chuyển giao lại các tài sản này cho các thành viên góp vốn tương ứng với số vốn góp vào Công ty thì khi bàn giao tài sản Công ty phải lập hoá đơn tính thuế GTGT, thuế TNDN như bán tài sản cho khách hàng, giá tính thuế là giá của tài sản cùng loại trên thị trường, tại thời điểm bàn giao”.

Từ những phân tích trên, chúng tôi hiểu rằng việc chuyển giao tài sản mà công ty bị giải thể đang sở hữu sang cho cổ đông của mình là hoàn toàn có thể thực hiện được trên thực tế. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng mà các bên liên quan cần lưu ý khi thực hiện là làm sao xác định được một cách hợp lý (phù hợp thông lệ thị trường, đáp ứng được yêu cầu của cổ đông và có thể giải trình được với cơ quan quản lý thuế) giá trị của tài sản để tính thuế áp dụng khi chuyển dịch tài sản từ công ty bị giải thể sang cổ đông

Phùng Anh Tuấn

Phùng Anh Tuấn

Managing Partner