Việc phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức (“CPƯĐCT”) ngày càng trở lên phổ biến trên thị trường và được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm quan tâm. Đây là loại cổ phần được phát hành với mục đích tạo ra lợi nhuận tốt cho những người nắm giữ nên có thể khuyến khích các nhà đầu tư lớn, có danh tiếng tham gia bỏ vốn vào các công ty tiềm năng đang cần vốn để phát triển triển. Mặt khác, các công ty cũng mong muốn sử dụng CPƯĐCT như là một phương tiện tối ưu để huy động vốn nợ với chi phí rẻ hơn đồng thời có thể không làm ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ an toàn tài chính của công ty do CPƯĐCT (nếu đáp ứng được một số điều kiện cụ thể phù hợp với hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam) có thể được xác định là một loại chứng khoán vốn thuộc vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán của công ty.

Để giải thích về CPƯĐCT là gì, có thể hiểu đơn giản là cổ đông sở hữu CPƯĐCT có quyền được nhận mức cổ tức[1] cao hơn so với các cổ đông thông thường. Khoản 1 Điều 117 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (“Luật Doanh nghiệp 2020”) quy định rõ về định nghĩa này. Cụ thể, quyền lợi này bao gồm:

  • Cổ tức cố định: cổ đông sở hữu CPƯĐCT sẽ nhận được cổ tức cố định hàng năm, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức này được xác định cụ thể và ghi rõ trong cổ phiếu phát hành cho cổ đông.
  • Cổ tức thưởng: ngoài cổ tức cố định, cổ đông sở hữu CPƯĐCT cũng có quyền nhận cổ tức thưởng, tùy thuộc vào quyết định của công ty và thành công của các dự án hoặc chiến lược kinh doanh đã thực hiện. Mức cổ tức thưởng cũng được ghi rõ trong cổ phiếu.

Cổ đông sở hữu CPƯĐCT có các quyền khác như cổ đông phổ thông ngoại trừ các quyền bao gồm: biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”), đề cử người vào Hội đồng quản trị (“HĐQT”) và Ban kiểm soát. Trong trường hợp công ty bị phá sản hoặc tiến hành giải thể, cổ đông sở hữu CPƯĐCT được ưu tiên nhận được tiền thanh lý trước cổ đông phổ thông sau khi đã thanh toán hết nghĩa vụ tài chính.

Trong quá trình hỗ trợ tư vấn pháp lý cho khách hàng là công ty niêm yết thực hiện phát hành CPƯĐCT, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề pháp lý quan trọng cần lưu tâm như sau:

  • Ngoài các quyền lợi gắn với CPƯĐCT như được đề cập nêu trên, trên thực tế, phụ thuộc vào tình hình thị trường vốn và vị thế của từng bên tham gia giao dịch, các nhà đầu tư có thể yêu cầu có thêm các điều kiện thương mại khác. Các điều kiện này sẽ không gắn với CPƯĐCT quy định tại Điều lệ công ty và cổ phiếu phát hành cho cổ đông. Trong trường hợp, nhà đầu tư sẽ yêu cầu xác lập một số giao dịch cụ thể với bên liên quan nhằm đạt được các điều kiện thương mại này và quy định việc này là một trong các điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư tham gia giao dịch.
  • Hai trong số các điều kiện để phát hành CPƯĐCT là phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán CPƯĐCT; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư phải được ĐHĐCĐ thông qua, Điều lệ công ty có thể phải sửa đổi để có quy định về loại CPƯĐCT. Việc lấy ý kiến của ĐHĐCĐ của công ty niêm yết sẽ phải thực hiện thông qua nhiều bước: (i) HĐQT thông qua việc chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến; (ii) xin chốt danh sách cổ đông hưởng quyền với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (“VSDC”); (iii) chuẩn bị và gửi tài liệu mời họp hoặc lấy ý kiến của cổ đông; (iv) thu thập ý kiến cổ đông và phát hành nghị quyết ĐHĐCĐ tương ứng … Do đó, khi lên kế hoạch thực hiện giao dịch (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị và sử dụng vốn), công ty cần dự phòng một khoảng thời gian cần thiết cho việc này cũng như cần xác định được đầy đủ các vấn đề cần xin ý kiến của ĐHĐCĐ để đảm bảo chỉ phải thực hiện một lần đối với việc này.
  • Công ty sẽ phải đăng ký chào bán CPƯĐCT riêng lẻ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) và chỉ được phép phát hành CPƯĐCT sau khi nhận được văn bản xác nhận của UBCKNN. Trên thực tế, việc xin ý kiến cổ đông và việc đàm phán với nhà đầu tư thường sẽ được tiến hành đồng thời nên có thể sẽ có những nội dung thương mại trong phương án phát hành CPƯĐCT chưa thống nhất được với nhà đầu tư tại thời điểm xin ý kiến cổ đông. Trong trường hợp này, ĐHĐCĐ cần ủy quyền cho HĐQT xác định/thông qua một số vấn đề cụ thể trong phạm vi hợp lý để tránh việc phải trình lại vấn đề còn thiếu lên ĐHĐCĐ để được thông qua.
  • Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành CPƯĐCT. Nhưng ở chiều ngược lại, cổ đông sở hữu CPƯĐCT có thể được phép chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo quyết định của ĐHĐCĐ và đưa vào giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán nơi niêm yết cổ phần của công ty. Trong trường hợp nhà đầu tư tiềm năng là người/tổ chức nước ngoài, công ty sẽ phải làm thủ tục xin đăng ký điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với mã chứng khoán của công ty được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán để đảm bảo trong tương lai khi cổ đông CPƯĐCT thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông thì công ty vẫn còn room để phát hành cổ phần phổ thông cho nhà đầu tư theo cam kết.
  • Sau khi CPƯĐCT được phát hành cho nhà đầu tư, công ty sẽ phải làm thủ tục đăng ký bổ sung chứng khoán đối với các CPƯĐCT này tại VSDC. Công ty chỉ được phép đăng ký một mã chứng khoán đối với cổ phần phổ thông để được phép giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Do đó, khi có nhu cầu chuyển nhượng CPƯĐCT trên thực tế, cổ đông không giao dịch được trực tiếp với bên mua mà sẽ phải làm thủ tục với công ty và phải thực hiện trên cơ sở đăng ký với VSDC.

———————————————–

[1] Khoản 5 Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2020: Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác

Phùng Anh Tuấn

Phùng Anh Tuấn

Managing Partner