Trong vòng hơn 02 năm trở lại, nhiều công ty đại chúng đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) xử phạt[1] do không đáp ứng tỷ lệ bắt buộc về thành viên độc lập (“Thành Viên Độc Lập”) trên tổng số thành viên của Hội đồng Quản trị (“HĐQT”). Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán 2019 và các Nghị định hướng dẫn thi hành có những quy định cụ thể đối với hoạt động quản trị nội bộ công ty cổ phần, đặc biệt là công ty niêm yết, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và nhà đầu tư chứng khoản, thúc đẩy sự công bằng, minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Bài viết này sẽ tổng hợp các quy định về cơ cấu, chức năng và hoạt động của Thành Viên Độc Lập trên thực tiễn.

Yêu cầu đối với Thành Viên Độc Lập

Yêu cầu phải đảm bảo đủ tỷ lệ Thành Viên Độc Lập trong HĐQT áp dụng trong trường hợp cổ đông của công ty cổ phần lựa chọn mô hình quản trị một lớp (one tier board). Cơ cấu quản trị theo mô hình này gồm Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”), HĐQT (bao gồm Uỷ ban Kiểm toán trực thuộc và ít nhất 20% thành viên là Thành Viên Độc Lập) và Giám đốc/Tổng giám đốc (“GĐ/TGĐ”)[2]. Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán phải là Thành Viên Độc Lập. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định số lượng thành viên HĐQT có từ 3-11 thành viên[3], theo đó số lượng Thành Viên Độc Lậpphải đáp ứng tương ứng là từ 3-4 người và không được bầu quá 02 nhiệm kỳ liên tục[4] để đảm bảo tính độc lập, khách quan của Thành Viên Độc Lập. Hạn chế tình trạng sau một thời gian tham gia sâu vào quản trị, bản thân Thành Viên Độc Lập cũng phát sinh các trách nhiệm liên quan, hoặc phát sinh các lợi ích liên quan với các thành viên HĐQT, cổ đông khác. Các thành viên này cũng phải đáp ứng điều kiện về sự độc lập gồm:

  • Không đang làm việc cho công ty, công ty mẹ/công ty con của công ty hoặc không từng làm việc cho công ty, công ty mẹ/công ty con của công ty ít nhất trong03 năm liền trước đó;
  • Không đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ phụ cấp HĐQT;
  • Không có quan hệ gia đình với cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty/công ty con của công ty;
  • Không trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% số cổ phần có quyền biểu quyết;
  • Không từng làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.[5]

Khi không còn đảm bảo các điều kiện nêu trên, Thành Viên Độc Lập sẽ đương nhiên mất tư cách của mình trong HĐQT. HĐQT phải thông báo trường hợp Thành Viên Độc Lập không còn đáp ứng tiêu chuẩn tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất hoặc triệu tập họp để bầu Thành Viên Độc Lập trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được thông báo.

Quy định về Thành Viên Độc Lập của công ty cổ phần cũng được áp dụng đối với các công ty đại chúng chưa niêm yết rằng các công ty này vẫn có thể lựa chọn giữa hai mô hình quản trị và duy trì tỷ lệ ít nhất 20% thành viên HĐQT là Thành Viên Độc Lập. Nếu số lượng thành viên HĐQT ít hơn 05 thì cần phải ít nhất 01 Thành Viên Độc Lập.[6] Đối với công ty niêm yết, việc bổ sung Thành Viên Độc Lập vào HĐQT là yêu cầu bắt buộc[7], số lượng Thành Viên Độc Lập trong HĐQT được xác định dựa trên tổng số thành viên của HĐQT. Cụ thể, nếu HĐQT có từ 03 đến 05 thành viên thì ít nhất phải có 01 Thành Viên Độc Lập; nếu có từ 06 đến 08 thành viên thì ít nhất có 02 Thành Viên Độc Lập; và nếu có từ 09 đến 11 thành viên thì ít nhất 03 Thành Viên Độc Lập.[8] Đối với công ty cổ phần là ngân hàng thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đặt ra yêu cầu số lượng Thành Viên Độc Lập cao hơn với tỷ lệ là 2/3 thành viên HĐQT (ít nhất phải có 02 Thành Viên Độc Lập) và không đồng thời là người điều hành tổ chức tín dụng[9].

Hoạt động của Thành Viên Độc Lập

Thành Viên Độc Lập, ngoài các thẩm quyền như thành viên HĐQT, sẽ thực hiện vai trò của mình thông qua các báo cáo gửi ĐHĐCĐ. Đối với các công ty niêm yết, pháp luật đã quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm lập báo cáo. Theo đó, tại các cuộc họp thường niên của ĐHĐCĐ, Thành Viên Độc Lập, là thành viên Uỷ ban Kiểm Toán của công ty niêm yết phải báo cáo về:

  • Thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của Ủy ban Kiểm Toán và từng thành viên Ủy ban Kiểm Toán.
  • Tổng kết các cuộc họp, kết luận, kiến nghị của Ủy ban Kiểm Toán.
  • Kết quả giám sát đối với báo cáo tài chính, tình hình hoạt động, tình hình tài chính công ty.
  • Báo cáo đánh giá về giao dịch giữa công ty/công ty con/công ty do công ty nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên với thành viên HĐQT, TGĐ/GĐ, người điều hành hành khác và những người có liên quan; giao dịch giữa công ty với công ty trong đó thành viên HĐQT, TGĐ/GĐ, người điều hành khác là thành viên sáng lập hoặc là người quản lý trong thời gian 03 năm trước thời điểm giao dịch.
  • Kết quả đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro.
  • Kết quả giám sát đối với HĐQT, TGĐ/GĐ và người điều hành khác.
  • Kết quả đánh giá sự phối hợp giữa Ủy ban Kiểm Toán với HĐQT, TGĐ/GĐ và cổ đông.

Theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng khi không đảm bảo đủ số lượng Thành Viên Độc Lập sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.[10] Lỗi này đối với các tổ chức tín dụng là công ty cổ phần (chưa phải công ty đại chúng) sẽ là từ 20.000.000 VNĐ đến 30.000.000 đồng.[11] Và đối với các Thành Viên Độc Lập của công ty niêm yết, trong trường hợp không thực hiện trách nhiệm báo cáo về hoạt động của HĐQT thì sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[12].

Trong giai đoạn 2022-2023, có hơn 10 công ty đại chúng bị xử phạt do vi phạm quy định về Thành viên độc lập theo công bố của báo chí, tuy nhiên số lượng vi phạm trên thực tế có thể cao hơn nhiều như được nêu trong trong khảo sát của FiinGroup và VNIDA. Theo đó, có 31,6% tức là 172 trên 544 công ty được khảo sát vi phạm quy định về Thành Viên Độc Lập.[13] Nguyên nhân chủ yếu được cho là mức thù lao cho Thành Viên Độc Lập trương đối thấp thấp (trung bình 6.600 USD/năm), so với Trung Quốc (34.000 USD/năm) và Malaysia (43.000 USD/năm)[14]. Điều này cho thấy Thành Viên Độc Lập vẫn không đóng vai trò quan trọng mà chủ yếu được bổ nhiệm chỉ để đáp ứng yêu cầu luật định. Điều này dẫn đến 2 hệ quả là: 1) Không có động lực để phát triển công việc này như một nghề chuyên nghiệp; 2) Khi thiếu cung, các công ty càng khó tìm được thành viên phù hợp. Trước tình trạng ấy, Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA)[15] đã được thành lập, trên cơ sở Quyết định 04/QĐ-BNV, với kỳ vọng là một giải pháp xã hội tạo ra thị trường việc làm đối với các ứng viên Thành Viên Độc Lập với mạng lưới kết nối và đánh giá nhân sự cũng như đóng vai trò như một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cho các Thành Viên Độc Lập.

[1] Về vấn đề này, tham khảo các bài viết của (VnEconmy, 2024); (Báo Dân trí, 2024); (Tạp chí Tài chính, 2023); (VnEconomy, 2023); (Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 2023); (Mekongasean, 2023); (Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 2022).

[2] Điều 137.1, Luật Doanh nghiệp 2020.

[3] Điều 154.1, Luật Doanh nghiệp 2020.

[4] Điều 154.2, Luật Doanh nghiệp 2020.

[5] Điều 155.2, Luật Doanh nghiệp 2020.

[6] Điều 276.3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

[7] Điều 276.3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

[8] Điều 276.4 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

[9] Điều 69.1 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

[10] Điều 15.3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP.

[11] Điều 6.1 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

[12] Điều 15.3 Nghị định 128/2021/NĐ-CP.

[13] FiinGroup, VNIDA, 2023, Báo cáo Khảo sát Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị tại các Công ty Đại chúng ở Việt Nam, tr. 38, trực tuyến tại: https://fiingroup.vn/NewsInsights/Detail/10719364?lang=vi-vn.

[14] FiinGroup, VNIDA, tài liệu đã dẫn, tr. 49, trực tuyến tại: https://fiingroup.vn/NewsInsights/Detail/10719364?lang=vi-vn.

[15] Trang chủ VNIDA tại: https://www.vnida.vn/.

Nguyễn Phạm Hoàng & Bùi Bảo Ngọc

Nguyễn Phạm Hoàng & Bùi Bảo Ngọc

Luật sư tập sự