Luật số 56/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là “Luật số 56/2024/QH15”) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Trong phạm vi bài viết này này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những thay đổi đối với Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019 (“Luật Chứng khoán 2019”) và chỉ giới hạn đề cập đến những nội dung liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.
Liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, các nội dung trong Luật số 56/2024/QH15 quy định hướng đến nâng cao minh bạch, hiệu quả trong phát hành, chào bán chứng khoán; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong phát hành chứng khoán; và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán. Dưới đây là một số nội dung quan trọng đã được chúng tôi tổng hợp và phân tích liên quan đến trái phiếu do doanh nghiệp phát hành (“TPDN”).
1. Mở rộng đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp:
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (“NĐTCKDN”), theo định tại Luật Chứng khoán 2019 (Điều 11), là “nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán” và liệt kê những đối tượng được coi là NĐTCKCN. Luật số 56/2024/QH15 (Khoản 3 Điều 1), quy định NĐTCKCN bao gồm cả “nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Liên quan đến thay đổi nêu trên, Nghị định 155/2020/NĐ-CP[1] (cụ thể là Điều 5 quy định về tài liệu xác định NĐTCKCN) sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định về việc sử dụng các giấy tờ, tài liệu báo cáo chứng minh tương thích với giấy tờ, tài liệu của nước ngoài… khi xác định NĐTCKCN nước ngoài. Đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ chưa được giao dịch tập trung, tổ chức đăng ký, lưu ký do doanh nghiệp phát hành (“DNPH”) chỉ định có trách nhiệm kiểm tra tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu.
2. Loại TPDN riêng lẻ có thể giao dịch bởi NĐTCKCN là cá nhân
Theo quy định pháp luật hiện hành[2], đối với những DNPH có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu, hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất thì bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DNPH trong hồ sơ chào bán TPDN. Lưu ý là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm này không áp dụng cho TPDN và không có quy định bậc xếp hạng tối thiểu để đủ điều kiện phát hành TPDN.
Luật số 56/2024/QH15 quy định NĐTCKCN là cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ đáp ứng các điều kiện bao gồm:[3] (i) TPDN có xếp hạng tín nhiệm; và (ii) TPDN có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Quy định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026[4].
Như vậy, trong tương lai, nếu DNPH muốn mở rộng đối tượng mua TPDN riêng lẻ do mình phát hành bao gồm cả các NĐTCKCN là cá nhân thì trong quá trình chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu sẽ phải thực hiện việc xếp hạng tín nhiệm TPDN. Việc xếp hạng tín nhiệm TPDN riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp các DNPH xây dựng niềm tin trên thị trường, là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư đánh giá rủi ro tài chính và thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường trái phiếu tại Việt Nam. Theo ý kiến của chúng tôi, việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN riêng lẻ thay vì chỉ yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với DNPH cũng có thể mang yếu tố tích cực khi trong nhiều trường hợp xếp hạng TPDN riêng lẻ cao hơn xếp hạng DNPH do các trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán.
3. Nâng cao trách nhiệm trong việc chuẩn bị và xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo
Luật Chứng khoán 2019 (Điều 23) chỉ quy định trách nhiệm của các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức kiểm toán và người ký báo cáo đối với hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Luật số 56/2024/QH15 đã bãi bỏ quy định trên và bổ sung quy định chung về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hoặc xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về:
- tính hợp pháp, chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu báo cáo đó; và
- hồ sơ, tài liệu báo cáo đó phải bảo đảm thông tin rõ ràng, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, phạm vi về hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán là khá rộng và đa dạng. Các hoạt động này có thể bao gồm việc phát hành chứng khoán, đăng ký, lưu ký và niêm yết giao dịch, giao dịch mua bán chứng khoán trên thị trường, công bố thông tin và báo cáo, … Do đó, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hoặc xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo phải đảm bảo không có thông tin gây hiểu lầm và có đầy đủ những nội dung quan trọng (vốn có thể là các yếu tố định tính) đối với một số hoạt động cụ thể có thể sẽ gây ra những khó khăn cho các DNPH cũng như các đơn vị tư vấn trong việc tuân thủ.
4. Trách nhiệm đối với tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán và người hành nghề
Luật số 56/2024/QH15 quy định tổ chức tư vấn hồ sơ, người hành nghề tham gia tư vấn hồ sơ có các trách nhiệm:[5] (a) phải trung thực, cẩn trọng và tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động tư vấn hồ sơ; (b) rà soát, kiểm tra thông tin trong hồ sơ, bảo đảm việc phân tích, đánh giá được thực hiện hợp lý, cẩn trọng trên cơ sở các thông tin, số liệu, tài liệu được cung cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi tư vấn liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo.
Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán hoặc soát xét phải tuân thủ quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập; tuân thủ chuẩn mực kiểm toán khi kiểm toán báo cáo tài chính và chịu trách nhiệm đối với ý kiến về tính trung thực, hợp lý của các báo cáo, số liệu được kiểm toán; tuân thủ chuẩn mực về hợp đồng dịch vụ đảm bảo; chịu trách nhiệm về việc đưa ra ý kiến về tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước.
Việc các nhà đầu tư sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính khi đã được kiểm toán độc lập xác nhận để tìm hiểu sức khỏe tài chính của DNPH trước khi đưa ra quyết định đầu tư là một xu thế tất yếu. Cách này rất thích hợp, phát huy được tính chuyên môn hóa của đơn vị kiểm toán, giúp tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về sức khỏe tài chính của DNPH. Nếu không có sự xác nhận về tính trung thực của kiểm toán thì các nhà đầu tư khó yên tâm và tin tưởng khi bỏ vốn đầu tư vào DNPH. Do đó, việc ràng buộc chặt chẽ giữa trách nhiệm pháp lý và vật chất của kiểm toán viên với những ý kiến nhận xét kết luận mà họ cung cấp ra thị trường là thực sự cần thiết. Chúng tôi xin lưu ý thêm rằng trong một số vụ án hình sự được đưa ra xét xử thời gian vừa qua (các vụ án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn FLC và các công ty liên quan), một số kiểm toán viên trong vai trò là phụ trách các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã bị Viện kiểm sát cáo buộc trách nhiệm hình sự và bị Tòa án kết án hình sự vì hành vi ban hành báo cáo kiểm toán với nội dung không đúng thực tế, thực hiện không đúng các quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
5. Bổ sung điều kiện đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng
Luật số 56/2024/QH15 bổ sung điều kiện đối với hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng. Cụ thể, DNPH phải “đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm”[6] và trong hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng phải có “hợp đồng giữa tổ chức phát hành với đại diện người sở hữu trái phiếu”[7].
Chúng tôi có tìm hiểu về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP[8] thì điều kiện này đang được dự thảo với các nội dung cụ thể được tóm lược như dưới đây:
- DNPH hoặc TPDN đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được phép;
- DNPH đã chỉ định và ký kết hợp đồng với Đại diện người sở hữu trái phiếu trước khi TPDN được phát hành;
- DNPH có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị TPDN dự kiến phát hành) trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; và
- Giá trị TPDN dự kiến phát hành theo mệnh giá không lớn hơn vốn chủ sở hữu.
6. Sửa đổi điều kiện chào bán trái phiếu của công ty đại chúng
Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, cụ thể như sau:[9]
- Trong hồ sơ phát hành trái phiếu (chuyển đổi hoặc kèm chứng quyền) riêng lẻ, DNPH phải có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí nhà đầu tư; số lượng cổ phiếu, giá chào bán cổ phiếu hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán cổ phiếu.
Thời gian từ lúc có quyết định về việc xin ý kiến cổ đông cho đến khi công ty đại chúng có thể ban hành quyết định của Đại hội đồng cổ đông (bất kể theo cách nào, thông qua việc triệu tập cuộc họp trực tiếp hay lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản) là tương đối dài do bắt buộc phải thực hiện các thủ tục và tuân thủ các mốc thời gian tối thiểu theo quy định của pháp luật (gửi thông báo chốt danh sách cổ đông, gửi tài liệu sau khi có danh sách cổ đông hưởng quyền, thu thập đủ hoặc phải đợi đến khi hết hạn gửi ý kiến của cổ đông …). Trong khi đó, các điều kiện thương mại của giao dịch phát hành trái phiếu chuyển đổi hay trái phiếu kèm chứng quyền lại phụ thuộc vào cung cầu thị trường tại thời điểm phát hành và phụ thuộc vào kết quả tư vấn của các bên liên quan sau giai đoạn thăm dò thị trường. Do đó để đảm bảo giao dịch phát hành TPDN được thành công, công ty đại chúng cần phải rất lưu ý về điều kiện này khi xây dựng kế hoạch thực hiện giao dịch cho phù hợp về mặt thời gian. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc xin ý kiến cổ đông phê duyệt chủ trương đối với từng nội dung cụ thể quy định một cách phù hợp trước để rồi sau đó Hội đồng quản trị (trên cơ sở ủy quyền cụ thể của Đại hội đồng cổ đông) phê duyệt chi tiết sau đó cũng là một phương án có thể xem xét và khả thi trên thực tế.
- Đối với trái phiếu chuyển đổi, công ty đại chúng được phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định. Trong khi đó, đối với trái phiếu kèm chứng quyền, công ty đại chúng chỉ được phát hành cho nhà đầu tư chiến lược và NĐTCKCN như quy định tại Mục 2 trên đây.
Quy định nêu trên sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2026.
Đình chỉ và huỷ bỏ các đợt chào bán trái phiếu[10]
Luật số 56/2024/QH15 quy định cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) được hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng ngay cả khi đợt chào bán trái phiếu đã kết thúc nếu (i) hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng có thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung quan trọng có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư và gây thiệt hại cho nhà đầu tư; hay (ii) việc phân phối trái phiếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ thời điểm cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu được mua từ chứng quyền đã được đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch thì ngay cả khi phát hiện các sai phạm nêu trên UBCKNN không có quyền hủy bỏ các trái phiếu đã phát hành trước đó.
Đầu năm 2022, UBCKNN đã từng gây xôn xao trong việc ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 03 công ty liên kết (là các công ty chưa đại chúng) thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Như UBCKNN cho biết thì việc ban hành Quyết định này căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty này do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Luật số 56/2024/QH15 đã bổ sung quyền của UBCKNN có quyền đình chỉ đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ đã đăng ký với UBCKNN tối đa là 60 ngày nếu phát hiện ra các sai phạm đối với hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán riêng lẻ hoặc việc phân phối trái phiếu như nêu trên. Trường hợp, hết thời hạn đình chỉ theo quy định nêu trên mà DNPH không khắc phục được thiếu sót dẫn đến việc bị đình chỉ đợt chào bán trái phiếu hoặc sau khi kết thúc đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mà phát hiện đợt chào bán vi phạm quy định nêu trên thì UBCKNN có quyền hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu đã đăng ký. Tuy nhiên, từ thời điểm cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu được mua từ chứng quyền đã được đưa vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch thì ngay cả khi phát hiện các sai phạm nêu trên UBCKNN không có quyền hủy bỏ các trái phiếu đã phát hành trước đó.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ bị hủy bỏ, DNPH phải công bố việc hủy bỏ chào bán trái phiếu riêng lẻ và phải thu hồi trái phiếu đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, DNPH phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
[1] Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (“Nghị định 155/2020/NĐ-CP”).
[2] Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính Phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 09 năm 2022 của Chính Phủ).
[3] Khoản 3 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15.
[4] Khoản 2 Điều 10 Luật số 56/2024/QH15.
[5] Khoản 4 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15.
[6] Khoản 6 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15.
[7] Khoản 7 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15.
[8] Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
[9] Khoản 9 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15.
[10] Khoản 10 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15.
Quyền miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được chuẩn bị bởi Công ty Luật TNHH PTN (“PTN Legal”) chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo cho người đọc. PTN Legal không cam kết hay đảm bảo về tính chính xác hay đầy đủ của các thông tin này. Nội dung của bài viết có thể được thay đổi, điều chỉnh, hoặc cập nhật mà không cần báo trước. PTN Legal không chịu trách nhiệm về bất kỳ lỗi hoặc thiếu sót nào trong bài viết này hoặc thiệt hại phát sinh từ việc sử dụng bài viết này trong bất kỳ trường hợp nào.
Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Phùng Anh Tuấn và Trợ lý Luật sư Nguyễn Phạm Hoàng