Ngoại hối là lĩnh vực đang được quản lý nghiêm ngặt bởi Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ phục vụ nhu cầu quốc gia, đảm bảo an ninh tiền tệ và phát triển kinh tế. Vì thế, Việt Nam luôn có các chính sách rất cụ thể để quản lý hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó bao gồm hoạt động chuyển tiền phục vụ mục đích đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Do đó, các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (“Nhà Đầu Tư”) cần lưu ý tuân thủ để trước tiên được chấp thuận thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và sau đó giảm thiểu vi phạm trong quá trình triển khai dự án. Bài viết này mong muốn đem đến cho Nhà Đầu Tư và độc giả cái nhìn tổng quan về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.  

Điều kiện và hình thức của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (“ĐTRNN”) được hiểu là “việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài”[1], có thể được thể hiện ở một số hình thức như thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý[2]. Các chủ thể được thực hiện Hoạt động ĐTRNN bao gồm tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng, hộ kinh doanh) và cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định như cán bộ, công chức, viên chức…[3]

Nhà Đầu Tư có thể đầu tư bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, trừ các ngành nghề bị cấm theo Luật Đầu tư 2020 như ma tuý, pháo nổ…; các ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định pháp luật về quản lý ngoại thương như vũ khí, đạn dược, một số loại hoá chất…; và các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư. Ngoài ra, một số lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh hoặc kinh doanh bất động sản[4] được coi là ngành nghề đầu tư có điều kiện, cần phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định pháp luật chuyên ngành trong quá trình đăng ký đầu tư.

Trước khi tiến hành Hoạt động ĐTRNN, Nhà Đầu Tư cần thực hiện các thủ tục để xin cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (“Giấy CNĐKĐT”). Tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực đầu tư và/hoặc mức vốn của dự án, nhà đầu tư sẽ phải làm thêm thủ tục để xin quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ. Nếu không thuộc trường hợp này, Nhà Đầu Tư chỉ cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy CNĐKĐT tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thông thường, dự án sẽ cần xin ý kiến và nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”), các bộ, ngành liên quan trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định cấp Giấy CNĐKĐT[5].

Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Như đã đề cập tại phần mở đầu, để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động ngoại hối, Nhà Đầu Tư chỉ được nhận tiền và chuyển tiền thông qua 01 tài khoản duy nhất. Cụ thể, sau khi được cấp Giấy CNĐKĐT, Nhà Đầu Tư cần mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng loại ngoại tệ duy nhất phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư hoặc đồng thời mở thêm 01 tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam trong trường hợp chuyển vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam tại cùng một ngân hàng thương mại được cho phép tại Việt Nam. Mỗi Nhà Đầu Tư và mỗi dự án đầu tư cần có một tài khoản vốn riêng biệt trong phạm vi theo Giấy CNĐKĐT[6]. Nhà Đầu Tư sau đó cần thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối với NHNN tại tại chi nhánh tỉnh/thành phố nơi Nhà Đầu Tư đặt trụ sở hoặc thường trú. Việc đăng ký này cần được thực hiện khi Nhà Đầu Tư đã có Giấy CNĐKĐT, đã mở tài khoản vốn và đã nhận được chấp thuận đầu tư (hoặc văn bản tương đương) tại nước tiếp nhận đầu tư[7].

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà Đầu Tư được phép chuyển vốn đầu tư trước khi được cấp Giấy CNĐKĐT. Các trường hợp này bao gồm các hoạt động nghiên cứu thị trường, tài liệu, thẩm định dự án đầu; tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học; tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác… Các hoạt động này vẫn cần được thực hiện thông qua một tài khoản vốn với hạn mức không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ[8].

Sử dụng lợi nhuận từ việc đầu tư

Sau khi phát sinh lợi nhuận từ Hoạt động ĐTRNN, Nhà Đầu Tư có hai lựa chọn: chuyển lợi nhuận về nước hoặc sử dụng lợi nhuận này để tiếp tục các Hoạt động ĐTRNN khác.

Đối với trường hợp chuyển lợi nhuận về nước, Nhà Đầu Tư cần chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ Hoạt động ĐTRNN về Việt Nam trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Nếu không thể đảm bảo thời hạn này, Nhà Đầu Tư có thể xin gia hạn với cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NHNN. Tuy nhiên, thời hạn gia hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn phải chuyển lợi nhuận về Việt Nam[9].

Nhà Đầu Tư giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư trong các trường hợp (i) tiếp tục góp vốn đầu tư trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký; (ii) tăng vốn đầu tư; (iii) thực hiện dự án đầu tư mới [10]. Trong trường hợp Nhà Đầu Tư giữ lại lợi nhuận để góp đủ vốn hoặc tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, Nhà Đầu Tư cần tiến hành điều chỉnh Giấy CNĐKĐT và báo cáo cho NHNN trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy CNĐKĐT điều chỉnh. Trong trường hợp Nhà Đầu Tư giữ lại lợi nhuận để thực hiện dự án đầu tư mới, Nhà Đầu Tư cần tiến hành các thủ tục để xin cấp Giấy CNĐKĐT cho dự án mới này đồng thời đăng ký giao dịch ngoại hối với NHNN theo các yêu cầu được đề cập ở phần trên.

Nghĩa vụ của Nhà Đầu Tư trong quá trình triển khai dự án đầu tư ra nước ngoài

Trong suốt thời gian từ khi bắt đầu Hoạt động ĐTRNN đến khi thanh lý dự án, Nhà Đầu Tư cần tuân thủ các nghĩa vụ gồm:

Thứ nhất, nghĩa vụ tài chính. Nhà Đầu Tư cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính phát sinh từ Hoạt động ĐTRNN theo các quy định pháp luật về thuế đối với thu nhập và việc dịch chuyển tài sản liên quan đến hoạt động ĐTRNN. Do việc thực hiện hoạt động ĐTRNN không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, Nhà Đầu Tư sẽ cần lưu ý các quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước tiếp nhận dự án đầu tư để đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ về thuế cũng như tránh việc phải nộp số tiền thuế nhiều hơn so với nghĩa vụ quy định tại hiệp định.

Thứ hai, nghĩa vụ báo cáo. Xuất phát từ đặc thù chịu sự quản lý chặt chẽ, việc nộp các báo cáo về Hoạt động ĐTRNN là nghĩa vụ bắt buộc đối với Nhà Đầu Tư, bao gồm báo cáo về việc thực hiện Hoạt động ĐTRNN trong vòng 60 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận tại nước tiếp nhận đầu tư; báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong vòng 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế; báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình hoạt động của dự án đầu tư[11]. Bên cạnh đó, Nhà Đầu Tư cũng cần thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định về quản lý ngoại hối[12]. Cơ quan tiếp nhận các báo cáo này bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư. Nhà Đầu Tư nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ này có thể bị xử phạt hành chính lên tới 30.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ còn thiếu[13].

Thứ ba, nghĩa vụ thanh lý dự án ngay sau khi kết thúc hoạt động đầu tư. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư, Nhà Đầu Tư phải chuyển về nước toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư và có thể đề nghị gia hạn không quá 06 tháng. Trong vòng 60 ngày sau khi hoàn tất việc thanh lý này, Nhà Đầu Tư cần làm thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy CNĐKĐT theo quy định Luật Đầu tư 2020[14].

[1] Điều 3.13 Luật Đầu tư 2020

[2] Điều 52 Luật Đầu tư 2020

[3] Điều 68 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020

[4] Điều 54 Luật Đầu tư 2020

[5] Điều 61 Luật Đầu tư 2020

[6] Điều 5 Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối của hoạt động đầu tư ra nước ngoài

[7] Điều 10 Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối của hoạt động đầu tư ra nước ngoài

[8] Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020

[9] Điều 68 Luật Đầu tư 2020

[10] Điều 67 Luật Đầu tư 2020

[11] Điều 73.3 Luật Đầu tư 2020

[12] Điều 25 Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài

[13] Điều 20 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

[14] Điều 86 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020

 

Nguyễn An Huy
Luật sư tập sự