Thực hiện quyền biểu quyết và hưởng cổ tức tương ứng với lượng cổ phần nắm giữ là những quyền cơ bản của cổ đông được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 115.1) và điều lệ của công ty cổ phần (“Điều lệ”). Thông tin về việc chia cổ tức cho thấy tiềm năng phát triển của công ty và tạo sự tin cậy của cổ đông đối với công ty nên thường có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu của công ty khi thông tin này được đưa ra thị trường. Việc chia cổ tức có thể được xem là một yếu tố thu hút cổ đông mới hoặc giữ chân cổ đông hiện tại.
Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định thêm về các điều kiện để công ty cổ phần trả cổ tức của cổ phần phổ thông bao gồm:
- Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
- Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ;
- Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định nhưng phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.
Mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”). Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thời hạn thanh toán cổ tức là trong 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên. Hội đồng quản trị (“HĐQT”) lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức.
Quy định về tạm ứng cổ tức cho cổ đông phổ thông
Tạm ứng cổ tức là việc các công ty cổ phần thực hiện chi trả một phần cổ tức mà cổ đông có thể sẽ được hưởng khi chưa kết thúc năm tài chính trên cơ sở lợi nhuận được ghi nhận lũy kế trong năm. Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể việc tạm ứng chi trả cổ tức tuy nhiên việc này diễn ra khá phổ biến trên thực tế và được thực hiện bởi cả công ty cổ phần không phải đại chúng, công ty đại chúng và công ty niêm yết.
Truy cập vào trang thông tin điện tử của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (vsd.vn) , chúng tôi thấy khá nhiều thông báo về tạm ứng cổ tức năm 2024 của các công ty. Ví dụ như, Công ty Cổ phần Phốt Pho Apatit Việt Nam (mã chứng khoán: PAT) thông báo ngày 20/11/2024 là ngày đăng ký cuối cùng về việc tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ thực hiện: 70%/cổ phiếu (01 cổ phiếu được nhận 7.000 đồng), ngày thanh toán là ngày 20/12/2024. Hay như Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (mã chứng khoán MCM) thông báo ngày 15/11/2024 là ngày đăng ký cuối cùng về việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm tài chính 2024 bằng tiền, tỷ lệ thực hiện: 10%/cổ phiếu (01 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng), ngày thanh toán là ngày 20/12/2024.
Điều kiện tiên quyết cho việc tạm ứng cổ tức cho cổ đông phổ thông là công ty phải có lãi sau thuế từ hoạt động kinh doanh. Sau khi đảm bảo được điều kiện này, công ty có thể trích một phần từ lãi sau thuế ra để thực hiện chi trả cổ tức dưới hình thức tạm ứng cho cổ đông với mức trả theo quyết định của ĐHĐCĐ (trên cơ sở kết quả biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ được triệu tập bất thường hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản). ĐHĐCĐ có thể giao quyền cho HĐQT thực hiện các công việc cụ thể có liên quan. Công ty phải chú ý đảm bảo thực hiện đầy đủ thủ tục khi tạm ứng chi trả cổ tức như: lập danh sách cổ đông được hưởng quyền, xác định mức chi trả, thông báo trước về thời gian chi trả cổ tức tạm ứng.
Trong điều kiện bình thường, việc tạm ứng cổ tức giúp cổ đông nhận được tiền sớm hơn, giúp họ có tiền mặt ngay lập tức để giải quyết các vấn đề tài chính cá nhân hoặc đầu tư vào cơ hội khác. Trong một số giao dịch M&A dưới hình thức mua vốn cổ phần, các bên tham gia có thể thỏa thuận việc tạm ứng cổ tức (phát sinh trong giai đoạn trước khi hoàn thành giao dịch M&A) cho các cổ đông bán. Trong trường hợp này giá trị cổ phần chuyển nhượng sẽ không bao gồm quyền được hưởng cổ tức cho giai đoạn trước và theo đó giá trị giao dịch mà bên mua phải thanh toán cũng sẽ thấp hơn. Về phía công ty, việc tạm ứng cổ tức bằng tiền cần phải được cân nhắc một cách kỹ càng vì điều này có ảnh hưởng đến dòng tiền thanh toán trong ngắn hạn và khả năng đầu tư phát triển của công ty trong tương lai. Do đó, việc quyết định có nên tạm ứng cổ tức hay không cần phải dựa trên mức lợi nhuận ổn định và kế hoạch tài chính chi tiết của doanh nghiệp.
Trường hợp công ty chi trả cổ tức dưới hình thức tạm ứng trái với quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có trách nhiệm phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên HĐQT phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.
Chi trả hoặc tạm ứng cổ tức là tiền mặt đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
Cổ tức được chia bởi công ty cổ phần cho các cổ đông phổ thông là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (gọi chung là “nhà đầu tư nước ngoài”) được xem là một nguồn thu nhập hợp pháp tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển nguồn lợi nhuận này từ Việt Nam ra nước ngoài theo các quy định liên quan của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Thông tư 186[1] quy định các thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với các nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam bao gồm (i) chuyển hàng năm khi kết thúc năm tài chính; và (ii) chuyển khi kết thúc hoạt động đầu tư. Theo đó, điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài chuyển phần cổ tức đã nhận ra khỏi Việt Nam là công ty có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư và thực hiện chia cổ tức (i) đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam; (ii) đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán; và (iii) tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp[2]. Đối với trường hợp tạm ứng cổ tức, chúng tôi cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài nhận và chuyển phần lợi nhuận hợp pháp này ra khỏi Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn trên thực tế khi mà không có đủ các tài liệu theo quy định nêu trên do thời điểm phát sinh việc tạm ứng cổ tức là trong năm tài chính.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức[3] thì chúng tôi cho rằng thủ tục chuyển thu nhập là cổ tức ưu đãi ra nước nước ngoài sẽ đơn giản và thuận lợi hơn. Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ tức ưu đãi được chia hàng năm gồm: cổ tức cố định và cổ tức thưởng, trong đó cổ tức ưu đãi cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Trong trường hợp này, khi làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần chứng minh phần cổ tức ưu đãi mà mình được nhận được xác định phù hợp quy định tại Điều lệ, cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức và nghị quyết về việc chia cổ tức ưu đãi của ĐHĐCĐ hoặc HĐQT của công ty. Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ là việc chia cổ tức ưu đãi cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty tuy nhiên chúng tôi được biết là trên thực tế một số ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu được chuyển cổ tức ưu đãi ra nước ngoài sau khi chứng minh được rằng công ty có đủ lợi nhuận (bao gồm cả lợi nhuận của các năm trước được giữ lại) để chi trả cổ tức ưu đãi (hay nói cách khác công ty không được dùng các nguồn vốn chủ sở hữu khác ngoài lợi nhuận để chi trả cổ tức ưu đãi cho cổ đông).
Trên thực tế, chúng tôi đã từng xem xét điều lệ của một công ty cổ phần trong đó có quy định về loại cổ phần ưu đãi cổ tức mà cổ đông sở hữu được nhận trước cổ tức ưu đãi (lần trả đầu tiên thực hiện khi phát hành) và được nhận hàng năm. Đối với trường hợp này, chúng tôi cho rằng việc chia cổ tức ưu đãi thực hiện bởi công ty về bản chất cũng chính là việc tạm ứng cổ tức ưu đãi cho cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi.
[1] Thông tư 186/2010/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2010 hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của luật đầu tư (“Thông tư 186”).
[2] Điều 4 Thông tư 186.
[3] Khoản 1 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020, “Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm”.
Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Phùng Anh Tuấn (Luật sư điều hành) và Quách Mai Phương (Cộng sự)
———
Quyền miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được chuẩn bị bởi Công ty Luật TNHH PTN (“PTN Legal”) chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo cho người đọc. PTN Legal không cam kết hay đảm bảo về tính chính xác hay đầy đủ của các thông tin này. Nội dung của bài viết có thể được thay đổi, điều chỉnh, hoặc cập nhật mà không cần báo trước. PTN Legal không chịu trách nhiệm về bất kỳ lỗi hoặc thiếu sót nào trong bài viết này hoặc thiệt hại phát sinh từ việc sử dụng bài viết này trong bất kỳ trường hợp nào.