Kể từ đầu tháng 11 năm nay, cả các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm và các công ty chứng khoán tham gia tư vấn hồ sơ chào bán đều mong muốn đẩy sớm tiến độ công việc lên sớm nhất có thể. Một trong những lý do chính là vào ngày 25/12/2024, thông tư 76/2024/TT-BTC[1] (“Thông tư 76”) sẽ chính thức có hiệu lực và thay thế Thông tư 122/2020/TT-BTC[2] (“Thông tư 122”).
So với Thông tư 122, Thông tư 76 đã cập nhật và phân loại rõ ràng các hình thức công bố thông tin, quy định chi tiết về việc báo cáo của các tổ chức tư vấn, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, và đại diện người sở hữu trái phiếu. Những thay đổi này thể hiện sự điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin đầy đủ, rõ ràng và kịp thời cho các nhà đầu tư trái phiếu.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích về các thay đổi trọng yếu đối với việc chuẩn bị bản công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành (“DNPH”), một tài liệu quan trọng mà các luật sư có trách nhiệm hỗ trợ tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu chuẩn bị và rà soát trước khi phát hành trái phiếu, được lập theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 76.
Thứ nhất, ngoài cam kết về việc đã rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện và hồ sơ chào bán, xác nhận doanh nghiệp phát hành đáp ứng đủ điều kiện, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu còn phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả rà soát của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, DNPH có trách nhiệm bổ sung thêm thông tin của người phụ trách để các nhà đầu tư trái phiếu có thể liên hệ để được cung cấp các hồ sơ chào bán trái phiếu.
Thứ ba, DNPH được yêu cầu cung cấp nhiều hơn các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp và phải nêu cụ thể các khoản nợ phải trả. Điểm 8 Mục I.5 Phần 3 Phụ lục I quy định DNPH đăng ký kinh doanh bất động sản sẽ phải công bố các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Liệu có phải là tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu trên số vốn chủ sở hữu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 96/2024/NĐ-CP[3] hay không? Chúng tôi chưa rõ về cách xác định đối với trường hợp này là như thế nào và có thể sẽ phải đợi một hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Bộ Tài chính.
Thứ tư, doanh nghiệp phát hành phải cung cấp thông tin về tình hình phát hành và sử dụng vốn đối với các trái phiếu còn dư nợ đồng thời phải làm rõ các vi phạm pháp luật (nếu có) về phát hành trái phiếu trong 3 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nêu rõ loại vi phạm, cơ quan ra quyết định vi phạm, biện pháp khắc phục, tình trạng đã khắc phục).
Thứ năm, Mục 1.6 Phần 3 Phụ lục I yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải công bố tổng giá trị trái phiếu phát hành theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng và tỷ lệ tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá trong mỗi 12 tháng so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc cung cấp thông tin trong trường hợp này là chưa rõ ràng: cụ thể thời gian mỗi 12 tháng được tính bắt đầu từ và đến thời điểm nào? chỉ tiêu vốn chủ sở hữu được xác định tại thời điểm nào? theo báo cáo tài chính riêng lẻ hay hợp nhất? bắt buộc phải theo báo cáo tài chính trong năm hay của năm liền kề.
Thứ sáu, liên quan đến mục đích của đợt phát hành trái phiếu, ngoài việc phải mô tả rõ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, DNPH còn phải liệt kê chi tiết các tài liệu pháp lý về mục đích phát hành trái phiếu tại Phụ lục của bản công bố thông tin.
Thứ bảy, DNPH được yêu cầu liệt kê chi tiết các tài liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Đối với bảo đảm bằng tài sản, DNPH phải cung cấp thông tin về (i) loại tài sản, (ii) liệt kê chi tiết tài sản bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, (iii) tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm/tổng giá trị phát hành dự kiến, (iv) thông tin chi tiết về hình thức bảo đảm (liệt kê chi tiết tên tổ chức định giá, cách tính, thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm, thứ tự thanh toán của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ…). Đối với bảo lãnh thanh toán, DNPH phải cung cấp thông tin về (i) hợp đồng bảo lãnh thanh toán (nếu có), (ii) giá trị được bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng
Thứ tám, ở phần trình bày về kế hoạch sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán, DNPH được yêu cầu cung cấp bổ sung các thông tin gồm: (i) tình hình triển khai chương trình/dự án đầu tư đến thời điểm công bố thông tin (các hạng mục đã hoàn thành, đang triển khai, dự kiến triển khai, thời gian dự kiến đưa vào hoạt động, khai thác), giải trình những thay đổi so với phương án đã phê duyệt (nếu có); (ii) tình hình thu xếp vốn đối với chương trình/dự án đầu tư (nêu rõ vốn tự có, vốn vay, vốn huy động khác…); giải trình những thay đổi về tổng vốn đầu tư, cơ cấu vốn so với phương án đã được phê duyệt; phương án bù đắp vốn trong trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn.
Thứ chín, Thông tư 76 đưa ra yêu cầu đối với một số tài liệu pháp lý cụ thể như liệt kê tại Phụ lục của bản công bố thông tin sẽ phải được cung cấp dưới hình thức bản sao có chứng thực của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Các tài liệu bao gồm cả các tài liệu nội bộ của DNPH như Điều lệ công ty, báo cáo tài chính, phương án phát hành trái phiếu kèm theo văn bản phê duyệt … Chúng tôi rằng các yêu cầu này chưa thực sự là phù hợp với thực tế, làm tăng thời gian làm việc và chi phí cho DNPH. Chúng tôi có tham khảo thêm các quy định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hướng dẫn về việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài và đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế thì thấy rằng các loại tài liệu loại này cũng như một số loại tài liệu khác cũng chỉ cần cung cấp bản sao có xác thực của doanh nghiệp.
Trên đây là một số nội dung thay đổi hoặc vướng mắc mà chúng tôi nhận thấy trong quá trình xem xét và nghiên cứu Thông tư 76. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành các hướng dẫn và giải đáp thêm để làm sáng tỏ hơn về những nội dung này.
[1] Thông tư 76/2024/TT-BTC ngày 6/11/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế
[2] Thông tư 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP
[3] Nghị định 96/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản
Quyền miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được chuẩn bị bởi Công ty Luật TNHH PTN (“PTN Legal”) chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo cho người đọc. PTN Legal không cam kết hay đảm bảo về tính chính xác hay đầy đủ của các thông tin này. Nội dung của bài viết có thể được thay đổi, điều chỉnh, hoặc cập nhật mà không cần báo trước. PTN Legal không chịu trách nhiệm về bất kỳ lỗi hoặc thiếu sót nào trong bài viết này hoặc thiệt hại phát sinh từ việc sử dụng bài viết này trong bất kỳ trường hợp nào.